
4 Cách trồng rong nho ở Việt Nam được áp dụng rộng rãi

Rong nho (tên khoa học là: Caulerpa lentillifera) là thực phẩm mới xuất hiện tại Việt nam trong vài năm gần đây nhưng rất hợp khẩu vị người Việt, được nhiều người ưa chuộng. Trong bài viết này, Ecomvina sẽ cùng bạn tìm hiểu về một số cách trồng rong nho, cách chăm sóc và thu hoạch loại thực phẩm từ biển xanh quý giá này nhé
NỘI DUNG BÀI VIẾT
1. Chọn giống rong nho ở đâu?
Trước khi tìm hiểu cách trồng rong nho thì việc đầu tiên cần quan tâm là chọn giống rong nho ở đâu? Chọn như thế nào?
Rong nho là một loại thuỷ sinh phân bố tự nhiên ở vùng biển ấm Thái Bình Dương như: Philippines, Micronesia, vùng biển Nhật Bản…
Rong nho du nhập vào Việt Nam
Sau hai năm nghiên cứu và phát triển, năm 2003, rong nho được du nhập vào Việt Nam. Rong nho đã được Viện Hải dương học Nha Trang nghiên cứu và nuôi trồng thành công tại Cam Ranh, Hòn Khói thuộc tỉnh Khánh Hoà.
Năm 2004, Viện Hải dương học Nha Trang có những nghiên cứu đầu tiên về đặc tính sinh học và cách trồng rong nho trong phòng thí nghiệm. Các nhà nghiên cứu đã cho ra công trình có tên: “Nghiên cứu các đặc trưng sinh lý, sinh thái của loài rong nho biển Caulerpa lentillifera có nguồn gốc nhập nội từ Nhật Bản làm cơ sở kỹ thuật cho nuôi trồng”.
Sau đó, Viện Hải Dương học cũng thực hiện thêm đề tài: “Trồng rong nho biển Caulerpa lentillifera (J.Agardh, 1873) làm thực phẩm”. Từ nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy rong nho biển có thể sống quanh năm ở nhiều vùng biển của Việt Nam. Loại cây này có thể được trồng trong bể xi măng hoặc composite, trong ao, đìa, vùng triều, ven triều nơi có độ mặn cao và ổn định.
Xem thêm: Rong nho có tác dụng gì? Cách chế biến, Mua ở đâu?
Lấy giống rong nho ở đâu?
Hiện nay, nguồn giống rong nho biển có thể được cung cấp bởi các viện, trường nghiên cứu ngành thuỷ hải sản như Viện Hải dương học (Nha Trang) hoặc tại nhiều địa phương ven biển miền Trung và miền Nam (như Khánh Hoà, Ninh Thuận). Nhiều cơ sở ở đây đã thành công trong việc trồng rong nho. Sản lượng rong nho ngày càng tăng phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Trong cách trồng rong nho thương phẩm, người trồng có thể chọn và lưu giữ giống cho các vụ sau mà không cần phải mua giống mới.
Khi chọn cây rong giống, cần rất chú ý đến màu sắc của rong. Chọn những cây rong giống có sắc xanh tự nhiên, tươi non, sáng bóng.
Phần thân cây không có rong tạp bám. Thân mập, khoẻ. Nhánh rong có chiều dài tối thiểu 5 – 6 cm. Trái rong (hình quả nho) mọng nước. Trái mọc dày và xếp đều hai bên thân, không có dị tật.
2. Chọn địa điểm trồng rong nho biển
Để đạt năng suất cao thì vị trí trồng rong nho là quan trọng nhất. Không phải vùng biển nào cũng có thể trồng được loại cây này.
Khi trồng rong nho, phải chọn vùng biển sạch. Cách xa các nguồn nước bẩn, nước thải từ khu dân cư, nhà máy, khu công nghiệp. Tránh xa nguồn nước ngọt từ sông, suối, hồ chảy vào. Lý do là nước ngọt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự tăng trưởng của rong nho.

Ngoài ra, vùng trồng rong nho phải thuận tiện trong việc cấp thoát nước. Khu vực cũng cần ít bị tác động bởi sóng gió và các phương tiện qua lại như: thuyền, tàu, bè…
Vùng nước trồng rong nho phải có chất đáy là cát hoặc cát pha bùn. Đây là nguồn dinh dưỡng chính cho rong nho.
Người dân tại các vùng ven biển, ven cửa sông, vịnh thường tận dụng ao (đìa) để nuôi trồng rong nho. Những nơi này có điều kiện thuận lợi, thích hợp cho cách trồng rong nho phát triển như trong tự nhiên.
Sự trao đổi của nguồn nước rất quan trọng cho rong nho phát triển. Do đó, độ cao của đáy áo phải bằng hoặc trên mức thuỷ triều một chút. Điều này rất cần thiết để quản lý chất lượng nước trong ao.
Nhìn chung, điều kiện tự nhiên tại cửa sông, cửa biển ở các tỉnh khu vực phía Nam là môi trường khá phù hợp cho cách trồng rong nho thương phẩm. Rong nho giúp đa dạng hoá ngành nuôi trồng thuỷ sản của địa phương. Góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Đồng thời, loài cây này còn giúp cải tạo môi trường nước tự nhiên.
3. Cách trồng rong nho như thế nào?
Cách trồng cây rong nho rất đa dạng. Có nhiều cách trồng rong nho khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện địa lý và môi trường. Các phương pháp này đều phải bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật chăm sóc, duy trì và thu hoạch. Các yếu tố như: hàm lượng chất dinh dưỡng, nhiệt độ, độ mặn, ánh sáng rất quan trọng với sự phát triển của rong nho. Các yếu tố này cần được theo dõi hàng ngày.
Hiện nay, ở Việt Nam có 4 cách trồng rong nho.
Mô hình trồng đáy
Đây là cách trồng rong nho sử dụng các nẹp bằng tre hoặc gỗ. Các nẹp này được dùng để ghim cố định các nhánh rong xuống đáy ao. Khoảng cách giữa các nhánh là 40 x 40cm. Mật độ trồng khoảng 200 kg giống/sào. Nhìn chung, cách trồng rong nho này khá đơn giản, dễ thực hiện, chi phí đầu tư thấp nhưng sẽ tốn nhân công khi thu hoạch và trồng lại.
Cách trồng rong nho kê sàn
Đây là cách trồng rong nho rất phổ biến của người dân ở vùng biển Hòn Khói (Ninh Hải, Ninh Hoà). Cách trồng rong nho này tận dụng được nguồn nguyên liệu rẻ tiền như: tre, gỗ tạp và nguồn năng lượng sẵn có ở địa phương (nước biển và năng lượng mặt trời).

Cách trồng rong nho biển kê sàn có lưới che gồm 8 bước:
- Bước 1: Chọn địa điểm nuôi ở vùng biển sạch. Đóng các sàn bằng gỗ tạp như: tre, lồ ô… hoặc kê bằng gạch, đá cách mặt đáy 0,5 m.
- Bước 2: Dẫn nước biển vào đìa, ao thông qua cống có lọc bằng lưới để ngăn các tạp chất hữu cơ. Lượng nước dẫn vào đìa (ao) có độ sâu khoảng 1 – 1,2 m.
- Bước 3: Nạp đất bùn đáy biển (chất dinh dưỡng) vào các khay nhựa kích thước khoảng 30 x 50 x 5 cm. Sau đó, cấy rong nho giống vào các khay nhựa này.
- Bước 4: Đặt các khay nhựa đã cấy cây giống lên mặt các sàn bằng gỗ hoặc kê bằng đá, gạch trong lòng đìa (ao) nuôi.
- Bước 5: Thiết kế tấm lưới và che lưới trên mặt nước nơi trồng rong nho. Các lưới này giúp chủ động điều tiết lượng ánh sáng và nhiệt độ của nước phù hợp để rong nho phát triển. Lưu ý cần thiết kế tấm lưới sao cho thuận tiện, linh động. Cần che khi trời quá nắng và dỡ ra khi trời tối.
- Bước 6: Sử dụng guồng đập nước trong đìa (ao) để tạo những sóng nước di chuyển. Những đập sóng này giúp ao không bị tù đọng. Đồng thời, cung cấp oxy trong nước để rong phát triển tốt hơn.
- Bước 7: Sau khoảng 15 – 20 ngày trồng thì có thể thu hoạch. Bê từng khay rong nho lên bờ. Sau khi thu hoạch xong, khay được đặt về vị trí cũ để những cây rong bé tiếp tục phát triển.
- Bước 8: Những chùm rong nho sẽ được chuyển về xưởng để tiến hành xử lý và chế biến thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Đánh giá:
Có thể nói, cách trồng rong nho kê sàn có lưới che có chi phí thấp. Cách trồng tuy đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao. Sau khi trồng từ 15 – 20 ngày, rong nho sẽ cho thu hoạch với chất lượng sản phẩm cao hơn nhiều so với trồng tại Nhật Bản.
Thực tế, sau khi cách trồng rong nho biển này được áp dụng thử nghiệm và thành công tại Việt Nam, đối tác Nhật Bản cũng đã thừa nhận chất lượng sản phẩm rong nho khi thu hoạch. Nhờ đó, phía Nhật Bản đã có những hỗ trợ cho đơn vị nuôi trồng tại Việt Nam; thực hiện cả công đoạn chế biến thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Với cách trồng rong nho này, rong nho khi thu hoạch tại Nha Trang có chùm to và dài từ 10 – 20 cm. Trong khi đó, chùm rong nho tại Nhật dài từ 3 – 5 cm. Năng suất tại Nha Trang cũng cho thu hoạch 30 tấn/ha/năm. Năng suất này gấp 2 lần so với Nhật Bản và Philippines.
Cách trồng rong nho vỉ lưới
Với cách trồng rong nho này, người ta sẽ sử dụng các khung gỗ, tre hoặc ống nhựa làm thành hình chữ nhật có kích thước 30 x 60 cm. Khung có bao lưới xung quanh. Rong được cấy cố định trong vỉ và thả theo thứ tự thành hàng trong ao. Có bố trí lối đi để kiểm tra, chăm sóc rong.
Cách trồng rong nho này giúp cây rong hấp thu tối đa chất dinh dưỡng trong ao. Đồng thời, rất thuận tiện cho việc quản lý, chăm sóc và thu hoạch, mang lại hiệu quả cao. Mật độ trồng rong nho với phương pháp này thường là 1.000 – 2.000 vỉ/sào.
Cách trồng rong nho trong bể composite
Năm 2013, Viện Hải Dương Học Nha Trang đã hoàn thiện mô hình trồng rong nho trong bể composite. Sau đó, đã thực hiện tập huấn và chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng rong nho cho người dân ở huyện đảo Trường Sa.

Kỹ thuật trồng rong nho trong bể composite có 2 phương pháp là: trồng đáy và trồng treo.
Trồng đáy
Cách trồng rong nho này cũng giống như cách trồng ở đìa, ao. Phần đáy bể được phủ một lớp cát bùn có độ dày khoảng 10 cm. Sau đó, bể được bơm đầy nước biển và thay nước vài lần trước khi cấy trồng rong nho trực tiếp lên lớp cát bùn. Trọng lượng ban đầu của rong nho giống trồng trong bể dao động từ 200 – 400g rong tươi/m2.
Sau 2 tháng với cách trồng rong nho này, rong phát triển tốt. Năng suất toàn tản đạt khoảng 4,64 kg rong tươi/m2, tốc độ sinh trưởng 1,77%/ngày. Tỷ lệ khối lượng thân đứng so với toàn tản là 62,64%. Trong đó, tỷ lệ khối lượng thân đứng > 5 cm (phần sử dụng làm thực phẩm) so với toàn tản đạt 28,74%.
Trồng treo
Đây là cách trồng rong nho treo trên các vỉ lưới nhựa cứng kích thước khoảng 25 x 50 cm (S=0,13 m2/vỉ) hoặc lớn hơn. Mật độ trồng ban đầu là 50g rong tươi/vỉ (400g tươi/m2). Người ta sẽ treo các vỉ nhựa này trong bể chứa đầy nước biển. Khoảng cách từ vỉ nhựa đến đáy khoảng 20 – 30 cm.
Sau 2 tháng, rong phát triển phủ đầy trên bề mặt và xung quanh vỉ lưới. Năng suất đạt 2,67 kg rong tươi/m2. Tốc độ sinh trưởng đạt 1,25%/ngày. Tỷ lệ khối lượng thân đứng so với toàn tản chiếm 51,51%. Trong đó, tỷ lệ khối lượng thân đứng > 5 cm so với toàn tản đạt 20,98%.
Hai cách trồng rong nho trong bể composite này chiếm ít diện tích, phù hợp với điều kiện phát triển ngoài đảo. Rong phát triển nhanh, cho năng suất cao, từ đó bổ sung nguồn rau xanh cho người dân sống trên đảo.
4. Chăm sóc và thu hoạch rong nho
Sau khoảng thời gian từ 1,5 – 2 tháng, chúng ta có thể thu hoạch lứa rong nho biển đầu tiên. Nhưng lưu ý, chỉ nên thu hoạch những nhánh rong dài trên 5 cm. Khi hái, cần nhẹ nhàng, tránh làm rong bị dập.

Rong nho sau khi hái phải luôn để trong môi trường nước biển. Tránh để rong bị xẹp do mất nước.
Sau khi thu hoạch xong, rong nho được rửa thật sạch bằng nước biển. Cần loại bỏ bùn và tạp chất bám trên thân. Rong sau khi được cắt khỏi thân thường phải sục khí trong 24h và có ánh sáng tự nhiên rọi vào làm lành vết cắt. Sau đó, các nhánh rong được vớt lên và để ráo. Rong nho được bảo quản ở nhiệt độ thường để trong các thùng xốp kín hoặc túi nilon.
Do cần thời gian bảo quản lâu hơn để vận chuyển đi xa và tiện lưu trữ, rong nho còn được chế biến với công nghệ tách nước ly tâm tiên tiến. Loại rong này còn gọi là rong nho khô. Đây là sản phẩm được bán nhiều trên thị trường hiện nay.
Xem thêm: Top 7 rong nho biển (tách nước) tốt nhất hiện nay (Review 2021)
5. Nuôi trồng rong nho vào mùa nào trong năm tốt nhất?
Rong nho có thể trồng được quanh năm. Tuy nhiên, vào các tháng mùa mưa nên hạn chế trồng do nhiệt độ và độ mặn của nước biển thay đổi. Không chỉ vậy, trong mùa mưa, khi mưa nhiều sẽ làm rong tàn nhanh hoặc hiệu quả không cao.
6. Lưu ý cách trồng rong nho
Để giúp canh tác hiệu quả, cho năng suất cao, có một số lưu ý dưới đây với cách trồng rong nho.
Làm sạch ao, đìa:
Với ao mới đào để trồng rong nho, cần cải tạo kỹ. Cách làm là dẫn nước vào ao ngâm trong 2 – 3 ngày. Sau đó, tháo rửa xả hết nước ao, thực hiện từ 2 – 3 lần.
Rải vôi khắp đáy ao và bờ nhằm khử chua cho sạch. Loại vôi sử dụng là CaO với khối lượng trung bình sử dụng từ 300 – 1.000 kg/ha tuỳ thuộc độ pH của đất. Sau khi rải vôi, cần kiểm tra độ pH của đất. Phơi đáy ao trong 7 – 10 ngày. Sau đó, dẫn nước vào ao chuẩn bị thả rong nho giống.
Sau khi thu hoạch rong biển xong, cần xả kiệt nước để vệ sinh ao (đìa). Dọn sạch rác và bắt các loại động vật thủy sinh ra khỏi ao. Lưu ý trong khi vệ sinh, cần bảo đảm các khay rong nho vẫn được tưới nước biển liên tục.
Kiểm tra thường xuyên chất lượng nước, nhiệt độ, ánh sáng:
Sử dụng lưới che nắng để giảm bớt ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào rong. Đồng thời, giữ cho nhiệt độ của nước luôn ổn định. Lưới che nắng là một trong những dụng cụ quan trọng nhất trong mô hình trồng rong nho ở khu vực Khánh Hòa.

Thường xuyên theo dõi tình trạng ao (đìa). Dọn rác, vệ sinh đìa, kiểm tra định kỳ độ pH, độ mặn, nhiệt độ trong nước, cường độ ánh sáng. Đặc biệt là lúc trời mưa nhiều, nắng gắt.
Thời gian thay nước định kỳ từ 2 – 3 ngày/lần. Cần chú ý đến sự phát triển của rong. Khi thấy rong kém phát triển thì cung cấp thêm dinh dưỡng cho rong bằng cách bón thêm phân vô cơ hoặc hữu cơ làm từ bột cá.
Kiểm tra tình trạng của rong nho để loại bỏ các thành phần không tốt cho rong như:
- Các sinh vật sống ký sinh trên rong (hải quỳ, trùng vôi);
- Sinh vật thuỷ sinh ăn rong nho (cá dìa, cá dối, cá mặt thỏ…);
- Các loài rong phụ sinh…
7. Lời kết
Với nhiều cách trồng rong nho đa dạng, rong nho ngày càng được trồng nhiều tại Việt Nam nhằm đáp ứng cho nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Rong nho là loại “siêu thực phẩm” bổ dưỡng, lại có thể được ăn như rau sống hoặc chế biến trong bữa ăn hàng ngày thành nhiều món linh hoạt.
Ở Việt Nam hiện nay, bạn có thể tìm mua rong nho từ nhiều thương hiệu uy tín với quy trình sản xuất đạt chuẩn chất lượng của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, giúp bổ sung dưỡng chất cho cả gia đình như: rong nho Sabudo, rong nho Trường Thọ, rong nho Trí Tín, rong nho Okinawa…
Xem thêm: Bầu ăn rong nho được không? Mách mẹ bầu món ngon cùng rong nho
58.000₫
14.000₫
90.000₫
195.000₫
99.900₫